Hôm nay tôi xin giới thiệu với các bạn cấu tạo kiến trúc của từ đường theo quy thức chuẩn trong kiến trúc cổ Việt Nam.
Cấu Tạo Kiến Trúc Của Từ Đường
Nhà thờ họ là một công trình kiến trúc mang tính chất tâm linh, là nơi dành riêng cho việc thờ phụng vị Thủy Tổ của dòng họ. Các công trình nhà thờ họ được xây dựng theo quy thức chuẩn trong kiến trúc cổ Việt Nam, mang những nét truyền thống và chú trọng đến các yếu tố trong kết cấu.
Nhà thờ họ được xây dựng theo lối nhà cổ truyền Việt Nam như nhà kẻ truyền, nhà thuận, nhà rường hoặc nhà quang đèn. Các kiểu quy cách kiến trúc nhà thờ họ phổ biến là nhà 2 mái, 2 đầu bít đốc; nhà 4 mái, 2 đầu hồi có 2 mái phụ, mỗi trái nhà có thêm 1 hàng cột quân và có thể có thêm hàng cột hiên; nhà 8 mái (hay còn gọi là chồng diêm). Số gian nhà thờ họ được làm theo các số lẻ gồm Phương đình (1 gian chính giữa và bốn xung quanh hệ cột quân đẳng hướng); nhà 3 gian, 5 gian, 7 gian… Dù được xây dựng với kiến trúc nào thì các công trình nhà thờ họ trong kết cấu cũng sẽ gồm các loại cấu kiện quan trọng khác nhau. Tên các cấu kiện nhà thờ họ, mời các bạn tham khảo dưới đây!
Cột là phần đỡ chính, chịu lực chính cho toàn bộ nha thờ họ, có 3 loại cột đó chính là cột cái, cột quân và cột hiên. Phần mái nhà được xây dựng theo các vì nhà, các vì nhà được dựng lên và nối với nhau bằng các xà. Xà hay còn gọi là các giằng ngang chịu kéo dùng để liên kết các cột chính, cột quân, cột hiên với nhau. Xà gồm các loại xà nằm trong và ngoài khung vuông góc với khung: Xà lòng, xà nách, xà thượng, xà hạ, xà trung, xà tử thượng, xà tử hạ, xà hiên, xà ngưỡng. Ngoài ra, còn các cấu kiện khác như kẻ, bẩy, hoành, rui, mè, gạch màn, ngói…
1. Cấu tạo hệ mái từ đường
– Hoành là các dầm chính đỡ mái đặt nằm ngang theo chiều dài mái, vuông góc với khung nhà.
– Rui là các dầm phụ trung gian, đặt dọc theo chiều dốc mái (trực diện với hoành), gối lên hệ thống hoành.
– Mè là các dầm phụ nhỏ, đặt trực giao với rui, song song với hoành, gối lên hệ rui. khoảng cách giữa các mè là nhỏ nhất, vừa đủ để lợp ngói. Việc sử dụng hệ kết cấu hoành – rui – mè, nhằm phân nhỏ nhịp của kết cấu đỡ mái thành hệ lưới vừa đủ để lát lớp gạch màn và lợp ngói bên trên.
– Gạch màn là một loại gạch lá nem đơn bằng đất nung, có tác dụng đỡ ngói đồng thời tạo độ phẳng cho mái, chống thấm dột và chống nóng. Gạch màn ngồi trực tiếp trên lớp mè.
– Ngói mũi hài hay còn gọi là ngói ta hay ngói vẩy rồng, bằng đất nung, trực tiếp chống thấm dột và chống nóng, lợp trên lớp gạch màn và cũng có thể có lớp đất sét kẹp giữa.
2. Hệ cột của từ đường
Trong bộ khung nhà kiến trúc cổ Việt Nam, cột là bộ phận chịu lực nén, hầu được đặt trên các đế cột bằng đá mà không có bất kỳ mối liên kết nào giữa phần thân cột và phần đế. Công trình vững chắc được là hoàn toàn dựa vào sức nặng, sức đè nén của nó. Thường thấy có 3 loại cột chính.
– Cột cái: Là những cây cột chính của nhà đặt ở hai đầu nhịp chính tạo chiều sâu cho gian giữa, thân cột tròn, to và mập nhất. Phần nối giữa hai cột cái được gọi là câu đầu.
– Cột quân hay cột con: Là phần cột phụ ngắn hơn cột cái, vị trí nằm ở đầu các nhịp phụ giữa hai bên nhịp chính. Về chiều cao của cột con thấp và nhỏ hơn cột cái để tạo ra độ dốc của mái nhà. Nối giữa cột con và cột cái bằng xà nách.
– Cột hiên: nằm ở hiên nhà, phía trước, ngắn hơn cột con. Nối giữa cột hiên và cột con bằng kẻ bẩy.
3. Hệ xà
Xà là các giằng ngang chịu kéo, liên kết các cột với nhau, gồm có các loại xà nằm trong khung và các loại xà nằm ngoài khung vuông góc với khung. Xà nằm trong khung, thường đặt ở cao độ đỉnh các cột quân để liên kết được cả cột cái và cột quân, gồm:
– Xà thượng liên kết đỉnh các cột cái; xà này song song với chiều dài của nhà.
– Xà hạ hay xà đại, liên kết các cột cái tại cao độ đỉnh cột quân, gần sát vị trí liên kết xà lòng, xà nách vào cột cái. Xà này cũng chạy song song với chiều dài của nhà.
– Xà tử thượng (xà trên của cột con): liên kết các cột quân của các khung ở bên trên.
– Xà tử hạ (xà dưới của cột con): liên kết các cột quân của các khung ở bên dưới, tại mức độ cao ngay trên hệ cửa bức bàn.
– Xà ngưỡng nối các cột quân ở vị trí ngưỡng cửa. Xà này đỡ hệ thống cửa bức bàn.
– Xà hiên liên kết các cột hiên của các khung
– Thượng lương, còn gọi là đòn dông hay Xà nóc đặt trên đỉnh mái
4. Bẩy – Kẻ
Bẩy hay bẩy hậu hoặc bẩy hiên: là dầm nằm trong khung liên kết vào cột quân phía sau nhà, đỡ phần mái vẩy phía sau. Đối với nhà ở thì tiền kẻ, hậu bẩy. Đối với các công trình công cộng như đình làng, thường bốn mặt xung quanh đều có hiên thoáng không có cột hiên, nên thường dùng bẩy hiên.
Kẻ là các dầm đơn đặt theo phương chéo của mái nhà, gác lên các cột bằng liên kết mộng, thường có các loại kẻ sau:
– Kẻ ngồi là kẻ gác từ cột cái sang cột quân, trong khung; tạo hệ thống liên kết vững chắc trên mái đỡ.
– Kẻ hiên là kẻ gác từ cột quân sang cột hiên, trong khung. Một phần kẻ hiên được kéo dài đâm xuyên qua cột hiên để đỡ phần chân mái.
Bẩy – kẻ ngoài tính chất chịu lực nó còn là vị trí ưa thích của những nghệ nhân điêu khắc xưa. Nội dung điêu khắc mô phỏng theo tâm linh, đời sống, văn hóa tùy theo thể loại các công trình từ nhà ở đến đình làng, tôn giáo
5. Các bộ phận khác
– Con rường là các đoạn gối đỡ mái dạng dầm gỗ hộp để đỡ hoành mái, được đặt chồng lên nhau. Chiều dài của chúng thu ngắn dần cân theo chiều vát của mái, càng các con rường bên trên càng ngắn. Ở vì nóc các con rường nằm chồng lên câu đầu.
– Con lợn còn gọi là rường bụng lợn: là con rường trên cùng, gối lên con rường bên dưới qua hai đoạn cột ngắn gọi là trụ trốn, và làm nhiệm vụ đỡ xà nóc (thượng lương). Bên dưới rường bụng lợn (giữa hai trụ trốn) là ván lá đề thường để điêu khắc trang trí. Con lợn có thể được thay bằng giá chiêng.
– Rường cụt là loại rường nằm ở vì nách (giữa cột cái và cột quân), chúng nằm chồng trên xà nách, chúng cũng đỡ hoành và vẫn thu dần chiều dài khi lên cao theo độ dốc mái
– Tàu mái: là phần nằm trên đầu kẻ, đầu bẩy để đỡ phần rui đua ra của mái, tàu mái chạy dọc theo mặt trước hoặc 2 mặt bên của nhà. Phía trên tàu mái là phần lá mái
– Lá mái: Nằm trên tàu mái đỡ phần rui đua ra đỡ ngói
– Then tàu: Liên kết giữa tàu mái với xà hiên để giữ phần tàu mái không bị trôi.
– Ván dong (ván rong) Nằm kê giữa kẻ và hoành, mục đích của ván dong chính là truyền lực từ các thanh hoành tới vì. Ở ván dong thường được đục trạm trang trí các hoa văn như tứ linh đối với chùa hoặc được cách điệu đối với nhà ở bình thường. Tại các tỉnh miền nam thì được trang trí bằng các loại hoa hoặc loại quả.
– Đầu dư: phần thừa ra của kẻ hoặc bẩy, kẻ ngồi liên kết vào cột quân hoặc cột cái và để giữ các thanh kẻ, thanh bẩy.
– Con triện: Con triện thường được trang trí tại 2 cánh phong hoặc trên đỉnh nóc
– Bờ nóc: Là phần trên cùng của mái được xây gạch và đắp xi măng và phía trên bờ nóc được đặt và trang trí các con vật trong tứ linh đối với chùa hoặc con kìm, cá sấu… đối với nhà ở.
– Cửa bức bàn:
– Dạ tàu
– Đầu đao