Từ Đường KISATO

Ý Nghĩa Đồ Thờ Trong Từ Đường

Hôm nay tôi xin giới thiệu với các bạn bài viết: “Ý nghĩa đồ thờ trong từ đường “. Hy vọng sẽ mang đến cho các bạn thêm những thông tin bổ ích về công trình nhà thờ họ nhé.

Ý Nghĩa Đồ Thờ Trong Từ Đường

Nhà thờ họ hay từ đường là ngôi nhà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hoặc từ chi, nhánh trong họ tính theo phụ hệ. Chi họ lớn, sau khi đã phân chi thì nhà thờ của dòng trưởng sẽ là nơi thờ phụng từ đời ông thủy tổ, nơi giữ gia phả gốc, nhà thờ này sẽ được gọi là nhà thờ đại tôn. Các nhánh họ khác qua các thế hệ đều có nhà thờ chi họ thờ cúng riêng từ đời ông tổ chi trưởng, gọi là nhà thờ chi họ.

Ý nghĩa đồ thờ trong từ đường 1
Ý nghĩa đồ thờ trong từ đường

Nhà thờ họ cũng là nơi lưu giữ gia phả, văn tự cổ, sắc phong, bài vị, di tích của tổ tiên cùng những điển tích về dòng họ. Nói cách khác, đây được coi như một bảo tàng thu nhỏ của dòng họ, nó chứa đựng rất nhiều thông tin về dòng họ. Đồ thờ nhà thờ họ hay từ đường là một phần quan trọng không thể thiếu của nhà thờ, việc thiết kế bố trí nội thất từ đường trong được xem trọng hàng đầu tạo cho không gian bên trong vẻ uy nghi, tôn kính của nhà thờ họ, nhưng việc bố trí sao cho đúng với lề lối lại là điều không phải ai cũng hiểu rõ. Sau đây chúng tôi xin nêu các hạng mục nội thất của một nhà thờ họ đặc trưng:

Ý nghĩa đồ thờ hoành phi câu đối trong bộ nội thất nhà thờ họ

Hoành phi câu đối là một trong những đồ thờ cúng không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ cúng của người dân Việt nói chung, trong từ đường, nhà thờ họ nói riêng. Nó giúp tạo nên sự trang trọng cho không gian thờ cúng của nhà thờ họ, đồng thời thể hiện văn hóa, truyền thống hiếu học của nhân dân ta.

Thông thường, đôi câu đối được treo dán hai bên phải trái hoặc các cột trụ hai bên của cửa ra vào của nhà thờ họ được phối hợp thêm bức hoành phi treo phía trên tạo thành một hình thế chữ Môn, dựng nên một kiến trúc đối xứng nhiều giá trị thẩm mỹ Hoành phi có nhiều loại, có bức hoành phi sơn son chữ vàng, có bức sơn đen chữ đỏ hoặc vàng, cũng có những bức được khảm xà cừ rất cầu kỳ, đẹp mắt. Tuy nhiên, đặc sắc và độc đáo nhất phải kể đến những hức hoành phi được làm bằng kỹ thuật “chạm thúc nổi” từ đồng tấm.

Hoành phi cổ thường được cấu tạo theo hai dạng chính là dạng hình chữ nhật và hình cuốn thư, ngoài ra còn có bức dạng chiếc khánh, hình ô van. Hoành phi được treo cao nhất trong từ đường, hơi nghiêng về phía trước để người nhìn dễ quan sát và tạo sự cân đối. Số lượng hoành phi tại không gian thờ tuyt thuộc vào từng dòng họ. Thông thường, nhà thờ họ dùng tới hai, ba bức hoành phi trong cùng một không gian thờ, trong đó, ở gian chính giữa thường treo hoành phi khắc tên của gia tộc.

Những chữ Hán viết trên hoành phi thường theo 3 kiểu cơ bản là chữ chân 真, chữ thảo草, chữ triện 篆. Nội dung có khi bày tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên và những người có công với đất nước, thông thường chỉ có từ ba đến bốn chữ như: 万古英灵 “Vạn cổ anh linh” (muôn thuở linh thiêng), 留福留摁 Lưu phúc lưu ân (Lưu giữ mãi ơn đức), 護國庇民 Hộ quốc tí dân (bảo vệ nước che chở dân); có khi mang ý nghĩa chúc tụng như 僧财进禄 “Tăng tài tiến lộc” (được hưởng nhiều tài lộc), 福禄寿成 “Phúc lộc thọ thành” (được cả phúc, lộc, thọ), 家门康泰 Gia môn khang thái (Cửa nhà rạng rỡ yên vui).

Gian thờ đẹp là 1 mục tiêu của việc lựa chọn nội thất từ đường

Những chữ lạc khoản nhỏ hơn được ghi ở một hoặc hai bên bức hoành phi sẽ cho chúng ta biết thông tin về chủ nhân của hoành phi, người viết, người tặng, sự kiện tạo ra bức hoành phi đó, về thời gian xây dựng đình, đền, nhà thờ họ…Hình trang trí trên các bức hoành phi như tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ thời (mai, lan, cúc, trúc), hình quyển sách và cây bút, hình thanh gươm… ngoài việc làm nổi bật thêm nội dung của những chữ trên bức hoành phi, còn thể hiện sự sáng tạo và thẩm mỹ của người tạo tác.

Cửa võng trong nội thất từ đường

Là một loại cửa giả được làm từ nguyên liệu gỗ, cửa võng do ba khung gỗ chính ghép lại và có dạng hình chữ M. Ở phần trên cùng sẽ được trang trí các loại hoa văn như đầu rồng, ngọc võng xuống. Văn hóa của từng vùng quê và sự tài hoa của người nghệ nhân làm ra mà mỗi cửa võng được trang trí khác nhau. Cửa võng được chia làm nhiều loại với kích thước và nguyên liệu gỗ khác nhau, đa phần chúng có nguồn gốc từ gỗ mít, gỗ hương, gỗ gụ, vàng tâm…

Trong quá trình điêu khắc, không phải lúc nào cũng được khắc từ một cây gỗ. Người thợ có thể tạo khung, sau đó gắn các hoa văn trang trí đã được làm sẵn lên trên bộ khung. Tuy nhiên, tính thẩm mỹ của loại cửa võng này không được cao, do đó giá thành cũng rẻ và ít được ưa chuộng hơn so với loại được điêu khắc trực tiếp. Cửa võng được trang trí theo những thể thức vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, trong đó phổ biến nhất là thể thức đối xứng, thể thức chia ô, thể thức tạo lớp, tầng. Mỗi thể thức trang trí mang lại một hiệu quả tạo hình riêng.

Bàn thờ có vai trò quan trọng trong hệ nội thất từ đường

Cách phân tầng tạo cảm giác cửa võng như cao hơn, đồ sộ và trang trọng hơn; cách tạo lớp gây ấn tượng về chiều sâu không gian; còn cách tạo bố cục đối xứng đăng đối có tác dụng tạo nên một thể thống nhất, chặt chẽ, trang nghiêm. Trong từ đường, nhà thờ họ, ở chính cung thường là cửa võng được tạo hình tứ linh, cửa long, thất phượng,… còn ở phụ cung (hai bên tả, hữu) là dạng cửa võng tứ quý, mai hóa, hồng trĩ, trúc hóa,…

Án gian (hương án), đẳng tế

Án gian là một dạng của bàn thờ thông thường, được chạm khắc họa tiết cầu kỳ và sơn son thếp vàng, được dùng cho nhiều không gian thờ tự như gia tiên, nhà thờ, đình chùa… Bàn thờ có nhiều loại, nhiều dạng và được gọi tên khác nhau như: án gian, hương án, tủ thờ, bàn thờ ô xa, bàn thờ chấp tải…Án gian (hương án) là một cách gọi khác của bàn thờ. Khi nhắc tới án gian, người ta nghĩ ngay tới những mẫu bàn thờ đẹp có thiết kế tỉ mỉ và cầy kỳ hơn các loại bàn thờ thường thấy.

Án gian (hương án) được chạm triện rất đẹp mắt và tinh xảo từ những họa tiết cách điệu như đầu rồng, chân quỳ, tứ linh, hoa đào, hoa mai,… Cùng với đó, khác với bàn thờ thông thường, án gian (hương án) là mẫu bàn thờ được sơn son thếp vàng, thếp bạc thay cho việc sơn phủ vecni thông thường, tạo vẻ đẹp lộng lẫy, vừa hoành tráng vừa linh thiêng.

Bộ bát bửu, chấp kích đẹp trong nhà thờ họ

Mỗi chiếc bàn án gian (hương án) mang một ý nghĩa, mục đích riêng. Do vậy, án gian (hương án) thường được đặt chế tác và đóng mới theo yêu cầu của người mua, trong đó một số mẫu án gian phổ biến như: Bàn án gian chân quỳ chạm khắc đầu rồng, Án gian chiện chữ Vạn, chữ Thọ, chữ Phúc cách điệu; Bàn thờ án gian chạm tứ linh, tứ quý… Đẳng tế là chiếc bàn 4 mặt kiểu dáng đơn giản, để bày đồ tế lễ, làm bàn cho chủ tế. Đẳng tế phổ biến trong các nghi lễ tại nhà thờ họ, nếu tế 3 ban cần 2 đôi đẳng tế.

Nội thất từ đường bộ bát bửu, chấp kích

Ý Nghĩa đôi hạc thờ ngậm hoa sen

Bát bửu, chấp kích là bộ đồ thờ bằng gỗ, sơn son thếp vàng, gồm 8 vũ khí thời cổ. Ở nhà thờ họ, bộ chấp kích bao gồm 8 loại vũ khí khác nhau: mâu, đao, thương, kích, chấp, chùy, trượng, mác tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực. Chúng được bày ở gian giữa, trước hậu cung theo thế thẳng đứng và cắm trên hai giá (Trường hợp những loại binh khí này được bày trên một giá gỗ hình giẻ quạt thì được gọi là bộ chấp kích). Nếu thủy tổ dòng họ là người khoa bảng hoặc có phẩm tước vua ban thì đồ thờ cúng còn có 2 giá cắm đồ lỗ bộ gồm 2 thanh mác trường, 2 ngọn cờ tiết (cờ đuôi nheo, tượng trưng cho chức sắc, ân điển của nhà vua), cờ mao (đầu có ngù, tết bằng lông đuôi trâu, tượng trưng cho mệnh lệnh của vua), 2 trùy đồng, 2 phủ việt (phủ là rìu, việt là búa) hoặc 2 biển bằng gỗ có khắc chữ Tĩnh túc, Hồi tỵ (Tĩnh túc có nghĩa là yên lặng, cung kính, không được cười nói khi rước hoặc tế thần; Hồi tỵ có nghĩa là tránh đi, khi cúng tế hoặc rước thần, ai có tật nguyền hoặc đang có tang phải tránh xa), 2 gươm trường, 2 tay văn, võ (Tay văn: nắm tay cầm bút, cán dài; Tay võ: nắm tay nắm chặt), lại thêm lọng, tàn, tán…

Ý nghĩa đồ thờ: đôi hạc thờ

Theo một số tài liệu cổ để lại, chim Hạc là loài chim tiên, là vật quý thường được cúng tiến vua chúa. Chim Hạc là tượng trưng cho sự thuần khiết, thanh liêm, khí phách trong sáng, không sa đọa, không dục vọng, không sân si, là đại diện của sự hiên ngang của những bậc hiền nhân quân tử, tu sĩ. Vì vậy, hạc được hiện thân trên nhiều đồ vật cúng tiến cao quý, giá trị. Không những vậy, truyền thuyết còn cho rằng, Hạc là loài sống thọ, trong cuốn “Tướng hạc kinh” đã gọi hạc là “thọ bất khả lượng” (sống lâu không thể tính) hay “hạc thọ thiên tuế” (hạc sống nghìn năm) như bàn thờ gia tiên, hình ảnh tổ tiên là vị trí thiêng liêng, trường tồn vĩnh cửu nên các vật phẩm thờ cúng cũng cần “trường thọ” như vậy.

Khám thờ sơn son thiếp vàng đẹp trong từ đường

Hạc thờ có kích thước cao lớn với ước mong phát triển của con người, mỏ dài và nhọn như mũi tên của sự vận động. Thân hạc hình khom tượng trưng cho bầu trời, chân hạc gầy và dài tượng trưng cho cột chống trời.  Trên đầu hạc thường đội đèn hoặc nến, thể hiện cho sự tôn sùng chân lý, ánh sáng giác ngộ, xua đi tối tăm, u ám. Hình tượng hạc ngậm ngọc minh châu thì tượng trưng cho sự cao sang quyền quý, còn ngậm hoa sen thì biểu trưng cho sự tịnh tâm và giác ngộ.

Đồ thờ trong từ đường

Khám thờ, ngai thờ

Khám thờ là một đồ vật không thể thiếu trên các ban thờ trong từ đường. Đây được coi như là nơi tọa lạc của các vị gia tiên. Khám thờ được sơn sơn thếp vàng hoặc thếp bạc, kín 3 mặt (tả, hữu và mặt sau), mặt trước là một cửa sổ nhỏ có thể khép, mở, gồm nhiều “cửa võng” theo lối “trướng rủ màn che”, với những họa tiết lá hóa rồng. Dưới cùng là chân khám được chạm thúc nổi đầu hổ phù. Khám thờ được làm chủ yếu bằng gỗ mít, gỗ dổi, gỗ vàng tâm, gỗ hương…

Ngai thờ (còn gọi là ỷ thờ) là một hiện vật tạo thế uy nghi cho các vị gia tiên. Ngai thờ bao gồm tay ngai, lưng ngai, bệ và chân ngai. Tay ngai tròn ở trên cùng, ôm lấy lưng rồi chạy ra hai bên về phía trước. Tay ngai như thân của đôi rồng, đầu tay ngai được chạm hai đầu rồng trong tư thế quay chéo vào để chầu bài vị (thần chủ) đặt trên ngai. Thân ngai là mảnh ván hơi cong ra phía sau, được bổ ô cân đối, với những đề tài trang trí như rồng, linh thú và hoa thiêng cùng vân xoắn. Bệ ngai phía dưới được chia nhiều cấp nhô ra, thụt vào với các đường diềm phang hoặc cong vỏ măng, trên đó trang trí những cánh sen vuông, rồng, lân, hoa cúc và nhiều biểu tượng khác. Dưới cùng là bốn chân ngai thường dưới dạng chân quỳ.

Ý nghĩa của kiệu thờ

Kiệu thờ là một tín vật tâm linh độc đáo, là hiện vật chính trong đám rước của lễ hội. Không phải nhà thờ họ nào cũng có kiệu thờ. Thường chỉ có những dòng họ lớn mới có kiệu thờ. Kiệu thờ có nhiều loại khác nhau, như kiệu bát cống, kiệu long đình, kiệu ngọc lộ,…trong đó, kiệu bát cống là phổ biến nhất.

Ý nghĩa của quán tẩy

Quán tẩy theo tiếng Hán Nôm có nghĩa là cái giá để đựng chậu nước cho các viên chủ tế, bồi tế, chấp sự rửa tay trước khi hành tế. Đây là một trong những đồ vật không thể thiếu trong các buổi tế lễ ở đình làng xưa.

Ý nghĩa của giá chiêng, giá trống

Trống thờ, chiêng thờ là vật thiêng liêng, được thần hóa, là một biểu tượng của hạnh phúc và quyền uy. Trong từ đường, trống thờ, chiêng thờ thường treo trên giá. Đỉnh của giá trống, giá chiêng là đôi rồng đầy đao mác chạy ra, viền mép trên là thân rồng. Dưới bụng đôi rồng này được chạm một đôi rồng khác chầu mặt trời. Tiếp dưới là một đòn ngang ăn mộng vào đầu hai cột để tạo nên chiếc giá trống, giá chiên. Hai góc áp sát cột và đôi bụng giá trống, giá chiêng là hai đầu rồng theo kiểu đầu dư của kiến trúc, thân cột cũng được chạm trổ hình rồng rất kỹ, rồi chôn chân vào một đế kết cấu kiểu đấu “con sơn”.

Ý nghĩa đồ thờ cúng mà chúng tôi tổng hợp trên đây hy vọng sẽ giúp bạn lựa chọn nội thất nói chung hay đồ thờ cho từ đường nói riêng. Nếu bạn muốn có một mẫu thiết kế từ đường đẹp, trang nghiêm, hiện đại, hãy liên hệ ngay với Kisato để được tư vấn, hỗ trợ nhanh chóng.

0/5 (0 Đánh giá)
Exit mobile version